Một số nội dung cần lưu ý khi kiểm tra hồ sơ hải quan
Trong quá trình thực hiện Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK, có một số nội dung công chức Hải quan cần lưu ý khi kiểm tra hồ sơ hải quan. Đây là nội dung được quy định cụ thể hơn so với Quyết định 988/QĐ-TCHQ năm 2014 của Tổng cục Hải quan.
Ảnh minh họa
Theo một cán bộ Hải quan trực tiếp tham gia xây dựng quy trình, quy trình mới quy định rõ những nội dung phải kiểm tra hồ sơ hải quan. Theo đó, trách nhiệm của công chức Hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan là ngay sau khi nhận đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp trực tiếp hoặc thông qua hệ thống. Công chức Hải quan thực hiện việc kiểm tra theo quy định tại mục 3 Chương II Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trong quá trình kiểm tra lưu ý những nội dung như: Kiểm tra thông tin khai báo danh sách container đối với tờ khai NK khai báo phương thức vận chuyển bằng container. Trường hợp danh sách container chưa được khai trên Hệ thống VNACCS hoặc danh sách container đã khai trên Hệ thống VNACCS không phù hợp với các chứng từ trong hồ sơ hải quan thì yêu cầu người khai hải quan thực hiện khai bổ sung.
Bên cạnh đó, công chức Hải quan thực hiện kiểm tra tiêu chí khai báo ảnh hưởng đến quản lý hải quan như “số hiệu, ký hiệu”; “chi tiết khai trị giá”; “phần ghi chú”; “số quản lý của nội bộ doanh nghiệp”; “mô tả hàng hóa”; Kiểm tra điều kiện chuyển cửa khẩu nếu người khai hải quan có đề nghị chuyển cửa khẩu; Kiểm tra xác định tên mã hàng, mã số hàng hóa, mức thuế khi kiểm tra hồ sơ hải quan; Kiểm tra khai báo về thuế và thực hiện chính sách thuế; Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế; Kiểm tra giấy phép XK, NK, kết quả kiểm tra chuyên ngành…
Trong quá trình xử lý kết quả kiểm tra, một số nội dung công chức Hải quan phải lưu ý, nếu kiểm tra hồ sơ phát hiện khai không đầy đủ hoặc có sự sai lệch, chưa phù hợp giữa chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thông tin khai trên Hệ thống thì thông báo cho người khai hải quan bổ sung.
Trường hợp người khai hải quan sử dụng bảo lãnh riêng để khai báo nhưng số tiền thuế phải nộp do cơ quan Hải quan xác định lớn hơn số tiền thuế do người khai hải quan khai báo thì thông báo cho người khai hải quan số tiền thuế phải nộp và hướng dẫn người khai hải quan chọn một trong ba phương thức thanh toán: Sử dụng bảo lãnh riêng mới tương ứng với số tiền thuế do cơ quan Hải quan xác định; hoặc khai báo việc nộp thuế bằng phương thức nộp thuế ngay (mã A); hoặc trường hợp người khai hải quan lựa chọn sử dụng bảo lãnh riêng đã khai báo với cơ quan Hải quan và nộp ngay số tiền thuế chênh lệch giữa số tiền khai báo với số tiền do cơ quan Hải quan xác định thì người khai khai báo lại phương thức nộp thuế ngay (chuyển từ mã xác định thời hạn nộp thuế là mã “A” thành mã “D”). Quyết định ấn định thuế do cơ quan Hải quan ban hành và gửi đến người khai hải quan phải ghi rõ thông tin liên quan đến bảo lãnh riêng và số tiền nộp thuế phải nộp ngay.
Trường hợp người khai hải quan sử dụng bảo lãnh riêng để khai báo nhưng số tiền thuế phải nộp do cơ quan Hải quan xác định nhỏ hơn với số tiền thuế do người khai hải quan khai báo thì thông báo cho người khai hải quan số tiền thuế phải nộp. Nếu quá thời hạn 5 ngày kể từ ngày gửi thông báo yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung mà người khai hải quan không thực hiện việc bổ sung hoặc trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày gửi thông báo và còn trong thời hạn hiệu lực của tờ khai mà người khai hải quan có văn bản khẳng định những nội dung khai là đúng và không thực hiện khai bổ sung thì xử lý theo quy định tại điểm b.7 khoản 3 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Liên quan đến vấn đề giám sát hải quan, quy trình mới đã kết hợp giữa các quy trình riêng lẻ vào quy trình chung. Cụ thể, quy trình mới thay thế toàn bộ các quy trình cũ như: Quyết định số 2575/QĐ-TCHQ năm 2014 về ban hành quy trình giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu cảng biển; Quyết định 2441/QĐ-TCHQ năm 2014 về ban hành quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK thương mại tại khu vực ga hàng hóa quốc tế thuộc cửa khẩu cảng hàng không, sân bay quốc tế áp dụng Hệ thống thông quan tự động VNACCCS/VCIS; các quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan; phương tiện vận tải neo đậu, dừng đỗ trong địa bàn hoạt động hải quan ban hành kèm các quyết định (Quyết định 149/QĐ-TCHQ năm 2011 và Quyết định 2344/QĐ-TCHQ năm 2014).
Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện giám sát hải quan như: Hàng hóa XK đưa vào khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng hóa XK, NK được thành lập trong nội địa, cảng hàng không, kho hàng không kéo dài, cơ quan Hải quan căn cứ trên chứng từ do người khai hải quan hoặc người vận chuyển xuất trình để xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan.
Người khai hải quan hoặc người vận chuyển chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trường hợp có thông tin hàng hóa chưa tập kết trong khu vực giám sát hải quan, cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định hiện hành. Không thực hiện giám sát trực tiếp của công chức Hải quan tại cổng cảng. Trường hợp chi cục hải quan cửa khẩu đã được trang bị Hệ thống giám sát bằng camera thì thực hiện theo quy định của Tổng cục Hải quan.
Giám sát hàng hóa XK đưa vào khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông, đường sắt liên vận quốc tế, chi cục hải quan cửa khẩu chỉ xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan trên hệ thống khi hàng hóa vận chuyển qua biên giới. Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy, công chức hải quan ký tên, đóng dấu công chức lên tờ khai hàng hóa XK.
|
Source:
BBN