Ngành Hải quan triển khai các nhiệm vụ thu NSNN đạt chỉ tiêu

30/07/2015 02:57 Số lượt xem: 172
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc quyết liệt triển khai các nội dung để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm.
Tính đến 30/6/2015, toàn ngành Hải quan thu NSNN đạt 125.617 tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán (260.000 tỷ đồng), bằng 47,4% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2014. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, để đạt được chỉ tiêu thu 265.000 tỷ đồng trong bối cảnh giá đầu thô giảm là một nỗ lực không nhỏ.
 
Vì vậy, để hoàn thành được chỉ tiêu thu này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục duy trì Tổ giải quyết nhanh, chủ động gặp gỡ và giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế theo Thông tư 126/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp nợ, tình trạng thực tế của doanh nghiệp, nguyên nhân không thu hồi được nợ và giải pháp của đơn vị để đảm bảo thu đủ số nợ thuế đã được giao.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra các trường hợp giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế. Đặc biệt tập trung kiểm tra các trường hợp phải kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định, doanh nghiệp được phân loại rủi ro cao về hải quan, rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thuộc loại có rủi ro như điện thoại di động, thiết bị điện tử, phân bón, hóa chất, vải, vật liệu xây dựng, rượu, bia, thuốc lá, đường, gạo... Phối hợp với cơ quan Thuế để thực hiện bù trừ số tiền thuế Giá trị gia tăng doanh nghiệp được hoàn tại cơ quan thuế.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ: ngăn chặn kịp thời gian lận, trốn thuế qua công tác tham vấn, xác định trị giá, xác định mã số thuế; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, phát hiện hành vi gian lận, thương mại qua xuất xứ hàng hóa, trị giá tính thuế... xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao.

Trong công tác chống buôn lậu, tiếp tục thực hiện các chuyên đề, chuyên án đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với ma túy, vũ khí, chất nổ, xăng dầu, khoáng sản, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa vi phạm môi trường, rượu, thuốc lá ngoại, gỗ, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, tài liệu phản động... đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu NSNN.
Võ Thị Thúy Hằng
Nguồn: BBN